Tin Tức

Những chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 1/2023

Những chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 1/2023. Từ tháng 1 năm 2023 sẽ có nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động cũng như doanh nghiệp: Từ 01/01/2023, thêm 4 Luật mới có hiệu lực, các phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu giấy, Tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023… Dưới đây là nội dung chi tiết Những chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 1/2023 tới đây, mời các bạn cùng tham khảo cùng vieclam24.vn.

1. Bổ sung quy định về trường hợp hủy đăng ký biện pháp bảo đảm

Chính phủ ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo đó, trường hợp hủy đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

– Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký nhận được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có quyết định về việc đăng ký phải bị hủy toàn bộ hoặc một phần;

– Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký phát hiện thuộc trường hợp từ chối đăng ký quy định tại điểm a hoặc điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định 99/2022/NĐ-CP .

Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký thực hiện việc hủy đối với toàn bộ nội dung đã được đăng ký;

– Xử lý đăng ký trùng lặp quy định tại Điều 49 Nghị định 99/2022/NĐ-CP .

Ngoài ra, về thời hạn xử lý hủy đăng ký biện pháp bảo đảm thì ngay trong ngày làm việc có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, cơ quan đăng ký thực hiện:

– Ghi, cập nhật nội dung hủy đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu;

– Thông báo bằng văn bản về việc hủy đăng ký theo Mẫu số 07a, Mẫu số 07d, Mẫu số 10b hoặc Mẫu số 10c tại Phụ lục cho Tòa án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP và cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người khác đang giữ Giấy chứng nhận (nếu có).

Văn bản thông báo phải nêu rõ căn cứ hủy đăng ký và việc không công nhận kết quả đăng ký trên văn bản chứng nhận đăng ký đã cấp (nếu có) hoặc trên Phiếu yêu cầu đăng ký có chứng nhận của cơ quan đăng ký.

Trường hợp hủy đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai thì văn bản thông báo phải thể hiện nội dung yêu cầu người đang giữ Giấy chứng nhận nộp lại giấy này để Văn phòng đăng ký đất đai ghi trên Giấy chứng nhận nội dung đăng ký đã bị hủy. Trường hợp Giấy chứng nhận không được nộp lại thì việc hủy đăng ký vẫn có hiệu lực.

(So với Nghị định 102/2017/NĐ-CP thì không có quy định về việc hủy đăng ký biện pháp bảo đảm.)

Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 99/2022/NĐ-CP , thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP

2. Tiền lương làm căn cứ tính chế độ với NLĐ dôi dư trong công ty nhà nước

Đây là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, tiền lương làm căn cứ tính chế độ với NLĐ dôi dư trong công ty nhà nước được tính như sau:

– Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tính bình quân của 05 năm cuối cùng trước khi nghỉ việc.

– Mức lương tối thiểu tháng tính bình quân quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP được xác định bằng bình quân của tất cả các mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm người lao động nghỉ việc.

– Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc quy định tại điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 3, Điều 4 và tiền lương làm căn cứ tính khoản tiền hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định 97/2022/NĐ-CP gồm:

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc ghi trong hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định 97/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2023, thay thế Nghị định 63/2015/NĐ-CP và Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH .

3. Bổ sung các loại giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, các loại giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

– Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

– Trái phiếu Chính phủ;

– Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;

– Trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; (So với Thông tư 04/2016/TT-NHNN , điểm mới được bổ sung.)

– Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; (Điểm mới được bổ sung.)

– Trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc); trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác; (Điểm mới được bổ sung.)

– Các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Thông tư 16/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/01/2023, thay thế Thông tư 04/2016/TT-NHNN .

4. Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN

Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành tại Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN.

Cụ thể, quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN gồm các nội dung cơ bản như sau:

– Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp.

– Chuẩn bị giám định tư pháp.

– Thực hiện giám định tư pháp.

– Kết luận giám định tư pháp.

– Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN như sau:

– Căn cứ từng nội dung được trưng cầu giám định, xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật đã được cung cấp với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá về những vấn đề có liên quan đến đối tượng cần giám định tư pháp lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc một số nội dung sau: Xác định cụ thể các vấn đề cần giám định (hình thức vật mang thông tin và nội dung thông tin cần giám định…); xác định yếu tố bị xâm phạm; xác định giá trị thiệt hại và các nội dung khác theo yêu cầu của người trưng cầu (nếu có).

– Trong trường hợp phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác trong quá trình thực hiện giám định, có văn bản thông báo ngay cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết.

– Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH .

5. Từ 01/01/2023, thêm 4 Luật mới có hiệu lực

Quốc hội thông qua 05 Luật tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 Khóa XV, trong đó có 04 Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Cụ thể, 04 Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 bao gồm:

– Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022;

– Luật Cảnh sát cơ động 2022;

– Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

– Luật Điện ảnh 2022.

Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung thêm 01 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: “Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm” vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020.

Đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Luật Điện ảnh 2022 đã sửa đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục, tại số thứ tự 29 và 192:

– STT 29: Môi giới bảo hiểm; (Hiện hành là Môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm);

– STT 192: Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim. (Hiện hành là Kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim).

6. 04 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu giấy

Từ ngày 01/01/2023, Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

– Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

– Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

– Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

– Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

7. Tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở năm 2023 lên 5,0%/năm

Đây là nội dung tại Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 (thay thế Quyết định 1956/QĐ-NHNN ) về mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN , 32/2014/TT-NHNN và 25/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN là 5,0%/năm.

(Tăng 0,2% so với mức lãi suất quy định tại Quyết định 1956/QĐ-NHNN năm 2021)

Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN (sửa đổi bởi Thông tư 32/2014/TT-NHNN ), các ngân hàng cho vay áp dụng mức lãi suất nêu trên bao gồm:

– Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

– Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam;

– Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam;

– Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam;

– Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.

– Các ngân hàng thương mại cổ phần khác do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

8. Từ năm 2023, điều chỉnh mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 (thay thế Quyết định 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021) Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp.

Theo đó, quy định hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở cao nhất là 1,00 (áp dụng với chủ tịch công đoàn).

Mức lương làm cơ sở tính hưởng phụ cấp quy định như sau:

– Công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2023 dự kiến như sau:

+ Từ ngày 01/01 – 30/6/2023: 1.490.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị định 38/2019/NĐ-CP );

+ Từ ngày 01/7/2023: 1.800.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022).

– Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước).

Trong đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2023 áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP , cụ thể: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng).

Hiện hành, mức phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được thực hiện theo Quyết định 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021 và không phân biệt giữa công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp và khối nhà nước.

@@@

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button